Báo Venezuela giảm số trang vì thiếu giấy in
Hôm 5-5, nhật báo El Universal cho biết sẽ chỉ phát hành 16 trang báo hàng ngày thay vì 24 trang như trước đây do thiếu giấy in. Một vài tờ báo khác cũng buộc phải in báo mỏng hơn thường lệ, thậm chí đóng cửa. Hầu hết đều đổ lỗi cho hoạt động kiểm soát tiền tệ yếu kém của chính phủ.
Mặc dù có một lượng giấy in lớn đang để tại hải cảng Venezuela từ tháng 1-2014 nhưng El Universal cần đồng USD để thanh toán. Tờ báo này chỉ trích Chính phủ Venezuela trì hoãn việc cho phép họ trao đổi đồng nội tệ với đồng USD.
Nhân viên các tờ báo ở thủ đô của Venezuela biểu tình phản đối quy định mua đồng USD của chính phủ.
Nhiều công ty nhập khẩu cũng than phiền về sự chậm chạp nói trên, dẫn đến tình trạng thiếu hụt những mặt hàng nhập khẩu cần thiết cho hoạt động sản xuất trong nước.
Trong một diễn biến khác, lực lượng an ninh Venezuela bị cáo buộc giam giữ bất hợp pháp và ngược đãi người biểu tình, theo một báo cáo của Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW).
Bản báo cáo nêu rõ trong một số trường hợp, quân đội chính phủ tra tấn những người bị bắt giữ, đe dọa hãm hiếp và xử tử họ. Báo cáo của HRW được dựa trên việc phỏng vấn hơn 90 người, bao gồm các nạn nhân, gia đình và luật sư của họ
“Trong hầu hết các trường hợp chúng tôi ghi nhận, lực lượng an ninh sử dụng vũ lực trái phép, như nổ súng và tra tấn những người không mang vũ khí. Trong lúc bị giam giữ, họ còn bị lạm dụng về thể chất và tâm lý” - báo cáo nói.
HRW cũng dẫn ra 10 trường hợp tra tấn bằng điện, lửa và đe dọa hiếp dâm hoặc xử tử. Jose Miguel Vivanco – Giám đốc HRW cho biết tình trạng lạm dụng người biểu tình diễn ra với sự chấp thuận ngầm của lực lượng an ninh.
Chính phủ Venezuela vẫn chưa có phản hồi sau các cáo buộc trên. Hồi tháng trước, Tướng Vladimir Padrino của Bộ Tư lệnh chiến lược quân sự Venezuela thừa nhận một số thành viên của Lực lượng Cảnh sát Quốc gia đã có những “hành động thái quá”.
Biểu tình bùng nổ thành xung đột tại Venezuela. Ảnh: Reuters
Kể từ khi làn sóng biểu tình chống chính phủ bắt đầu hồi tháng 2-2014, hơn 40 người đã thiệt mạng và khoảng 2.000 người bị bắt giam.
Ban đầu, nhiều sinh viên Venezuela yêu cầu chính phủ giải quyết tình trạng tội phạm bạo lực gia tăng, lạm phát và thiếu lương thực hàng ngày. Sau đó, phong trào chuyển sang cả mục tiêu chính trị với đòi hỏi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro từ chức.